Hạ tầng bứt phá, bất động sản khu Đông Sài Gòn còn phát triển mạnh
7 Tháng Mười Hai, 2023 | Tú
Yếu tố hạ tầng đang là điểm nhấn tạo nên sức hút của bất động sản khu Đông Sài Gòn. Theo nhận định của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm thị trường khu vực này vẫn là đích ngắm của các nhà đầu tư (NĐT) nhờ lợi thế về hạ tầng so với các khu vực khác.
Nửa cuối năm 2018, thị trường khu Đông Sài Gòn diễn ra không mấy sôi động, không có nhiều nguồn cung mới được bung ra thị trường. Duy nhất có cơn sốt đất nền khu vực này hồi đầu năm.
Điều này đang khiến khu Đông Sài Gòn trở nên khan hiếm đất nền hơn sau Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực, dường như không còn nhiều dự án mới được mở bán.
Hầu hết các nền được mua đi bán lại ở thời điểm này là hàng đầu tư thứ cấp, đã có sổ hồng hoặc dạng phân lô bán nền quy mô nhỏ, pháp lý đã cơ bản hoàn thiện trongnăm 2017.
So với cùng kỳ năm ngoái, nguồncung dự án đất nền mới hiện tại giảm nhiệt rõ nét. Hoạt động mua bán cũng cầm chừng từ thời điểm giữa năm đến nay. Giá bất động sản ở khu vực này được giữ ổn định.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ khá trầm lắng khi các dự án “mới tinh” giới thiệu ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay với một số cái tên như Gem Riverside, Rome Dimond Lotus. Hầu hết hoạt động mua bán hiện tại diễn ra ở những căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện được các NĐT rao bán giá thứ cấp.
Ở loại hình nhà phố, biệt thự trong các khu đô thị cũng chỉ lác đác vài dự án compound được chào bán giai đoạn tiếp theo với số lượng vài chục căn/mỗi đợt, hướng đến khách hàng trung lưu. Theo các đơn vị nghiên cứu, trong 2 quý đầu năm, chỉ có khoảng 2-3 dự án nhà phố, biệt thự chào bán mới và dự báo đến cuối năm phân khúc này vẫn “nhỏ giọt” nguồn cung.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, đất nền vẫn có ưu thế về cuối năm. Lượng NĐT và người mua thực bỏ tiền vào đất vẫn tăng lên. Theo ông Lâm, mặc dù giá đất khu Đông đã tăng ở ngưỡng cao nhưng NĐT vẫn chấp nhận bỏ tiền vào bởi họ cho rằng, số tiền bỏ ra là chi phí cơ hội cho một khu vực mà còn có tiềm năng tăng giá trong thời gian tới như khu Đông.
Theo các NĐT, đa số họ mong chờ các dự án mới tinh sẽ được chào bán vào thời điểm cuối năm để bỏ dòng tiền vào. Tuy nhiên, với thực tế thị trường như hiện nay thì điều này khó thành hiện thực khi mà các chính sách kiểm soát hiện tượng phân lô bán nền tràn lan, mỹ quan đô thị ngày càng được nhà nước làm gắt gao hơn. Do đó, các dự án mới mở bán cũng phải đảm bảo các điều kiện khắt khe hơn trước nên không mở bán “tùy tiện” như trước.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn nhận định BĐS sẽ còn phát triển mạnh nhờ lợi thế về hạ tầng. Do đó, hiện khu Đông Sài Gòn vẫn được cho là tâm điểm của thị trường. Trong thời gian qua, Quận 2 và Quận Thủ Đức có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng, kéo theo thị trường BĐS nơi đây cũng đi lên.
Chưa kể, việc thành phố định hướng ba quận Q.9, Q.Thủ Đức, Q.2 trở thành khu đô thị sáng tạo trong tương lai với trọng tâm phát triển trung tâm kinh tế tài chính mới của thành phố ở Thủ Thiêm (Q.2), khu công nghệ cao ở (Q.9 ) và nguồn nhân lực chất lượng cao ở Q.Thủ Đức sẽ là những nhân tố gia tăng giá trị BĐS ở các khu vực này. Đây cũng là yếu tố khiến giá BĐS nơi đây dự báo tiếp tục đà đi lên trong thời gian tới.
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ đến trung tâm thành phố theo hướng cao tốc Long Thành – Dầu Giây qua đại lộ Mai Chí Thọ và hầm Thủ Thiêm hay tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên cũng sẽ tạo đòn bẩy để BĐS khu Đông tiếp tục là điếm đến của các NĐT, CĐT dự án.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM sự kết nối hạ tầng đem lại cho khu Đông lợi thế rất lớn. Quỹ đất sạch quanh khu đô thị Thủ Thiêm hiện rất hiếm, hạ tầng dịch vụ phát triển nhanh khiến giá đất khuvực tăng nhanh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, mức giá biến động cần có sự phù hợp với diễn biến chung của thị trường, tránh trường hợp giá tăng đột biến, mất kiểm soát, cục bộ ở một vài khu vực, dẫn đến những tiêu cực cho thị trường BĐS nói chung.
Theo Trí thức trẻ