21km cao tốc từ TPHCM đi Long An sẽ thông xe vào quí 1-2025

16 Tháng Năm, 2024 | Nhân Viên

(KTSG Online) – Sau thời gian tạm dừng thi công, nhà thầu đã bắt đầu đưa nhân lực, thiết bị đến thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC- chủ đầu tư) cũng đặt mục tiêu hoàn thành và khai thác 21km cao tốc đoạn phía Tây vào quí 1-2025.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km, đi qua tỉnh Long An, TPHCM và Đồng Nai. Tổng mức đầu tư ban đầu 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay (hơn 25.000 tỉ đồng) và vốn đối ứng gần 5.690 tỉ đồng., sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1-A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1-J3) sử dụng vốn vay JICA và đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5-A7) sử dụng vốn vay ADB. Mặt đường tuyến cao tốc này rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 120 km/h.

 

Cao tốc này được khởi công từ năm 2014 nhưng dừng thi công do có một số thay đổi về chính sách từ năm 2019. Đến tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án còn hơn 30.000 tỉ đồng, thời gian hoàn thành đến hết tháng 9-2025.

 

default
Trong ảnh là điểm đầu của cao tốc Bến Lức – Long Thành giao với cao tốc TPHCM – Trung Lương tại địa phận tỉnh Long An. Nút giao này được coi là nút giao phức tạp nhất tuyến khi là điểm giao cắt giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Trung Lương và đường vành đai 3.

 

default
Sau khi thi công trở lại vào cuối năm 2023, các lối lên xuống cao tốc tại nút giao dần lộ rõ hình. Nút giao này thuộc gói thầu A1-1 bao gồm việc thi công phần còn lại của gói thầu A1 (từ km00+600 đến km07+900) do Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng – Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã trúng thầu. Giá trúng thầu là hơn 447 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng.

 

default
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, khối lượng thi công toàn dự án đã đạt trên 80% và đặt mục tiêu sẽ hoàn thành vào quý 3-2025. Theo ông Vị, Nam Bộ đã bắt đầu vào mùa mưa nên đơn vị thi công cũng đã có giải pháp để không ảnh hướng đến tiến độ. Trong ảnh là đoạn cao tốc kéo dài 13km (từ nút giao TPHCM – Trung Lương đến quốc lộ 50) đã được trải nhựa, lắp đặt thiết bị điện.

 

default
Cách điểm đầu dự án 3km là nút giao của cao tốc với quốc lộ 1. Đại diện VEC cho biết, đoạn phía Tây dài hơn 21km sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quí 1-2025. Việc này giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ của TPHCM và có ý nghĩa đặc biệt với dự án khi có bước chuyển mới.

 

default
Khác với khung cảnh hoang hoá khi dừng thi công trước đó, hiện nút giao này đang được công nhân tất bật thi công các lối ra vào cao tốc, lắp đặt hàng rào bảo vệ, thi công đường dân sinh. Khi được thông xe, nút giao này giúp người dân TPHCM tránh được các đoạn cửa ngõ vốn hay kẹt xe khi về miền Tây và ngược lại.

 

Ông Phạm Minh Cảnh, 60 tuổi, quê An Giang (ngoài cùng bên trái) là công nhân có hơn 10 năm gắn bó với các công trình cầu đường. Ông Cảnh cho biết rất vui khi góp một phần công sức trong quá trình hoàn thiện tuyến cao tốc này. Trong ảnh là nhóm thi công xe lu nền do ông Cảnh là trưởng nhóm, đội xe chịu trách nhiệm hoàn thiện các lối ra vào từ quốc lộ 1 vào cao tốc Bến Lức – Long Thành.

 

Trong ảnh là một đoạn cao tốc đi trên cao qua địa phận tỉnh Long An. Các hạng mục phụ trợ như biển báo, lưới chống chói, đèn chiếu sáng, vạch kẻ đường đều đã được hoàn thiện và sẵn sàng sử dụng.

 

default
Dù cao tốc Bến Lức – Long Thành chưa hoàn thành nhưng các dự án bất động sản dọc tuyến đã hình thành, chào bán. Bên trái ảnh là một dự án khu dân cư tại Cần Giuộc, Long An có giá từ 45 đến 55 triệu đồng/m2.

 

Đây là khu vực cách điểm đầu dự án 13km, cũng là điểm giao cắt giữa đoạn đường đã thảm nhựa và chưa thảm nhựa. Theo ghi nhận, các công nhân đang bắt đầu đo lại tim đường, tập kết máy móc về bãi để thi công. Trong ảnh là cảnh nhóm công nhân nghỉ trưa, ăn cơm tại lều tạm dựng trên công trường dưới cái nắng chói chang. Nhóm công nhân này phụ trách thi công đường dân sinh và lưới hành lang bảo vệ cao tốc.

 

Cách nút giao quốc lộ 1 10km là nút giao quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Nút giao này thuộc gói thầu XL-A2.2-4 thi công phần khối lượng còn lại và bổ sung của các gói thầu A4 và A2-2. Theo VEC, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng – Công ty CP 471 – Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 – Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội. Giá trúng thầu là 1.011 tỉ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng khoảng 11 tháng tính từ giữa tháng 4-2024.

 

Đây cũng là nút giao đang được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất mở rộng từ 4 lên 6 làn xe để tránh trường hợp nút giao thành nút thắt cổ chai. Nguyên nhân là do quốc lộ 50 đang mở rộng 6 làn xe nhưng nút giao giữa cao tốc với quốc lộ này chỉ có 4 làn.

 

Theo quan sát, khu vực nút giao này chưa có công nhân đến thi công. Các thiết bị máy móc cũ nằm trơ trọi, rỉ sét.

 

Từ nút giao quốc lộ 50 đến nút giao với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 9km. Phần lớn đường trong 9km này được thiết kế đi trên cao bằng cầu cạn.

 

Tuyến đường công vụ (đường phục vụ thi công dự án) trở thành lối đi tắt của người dân vùng ven TPHCM. Quãng đường này rút ngắn thời gian đáng kể khi đi từ Nhà Bè (TPHCM) đến Cần Giuộc hay Bến Lức (Long An) thay vì đi đường ngoài.

 

Trong ảnh là hình hài tuyến cao tốc đi qua nút giao Nguyễn Hữu Thọ, cầu Bình Khánh, Phước Khánh. Đi qua cầu Phước Khánh là đến địa phận tỉnh Đồng Nai. Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết cầu Bình Khánh, Phước Khánh là hai hạng mục quan trọng của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Cũng theo ông Vị, đề xuất của VEC về việc cho phép sử dụng nhà thầu Việt Nam để thi công phần còn lại của gói thầu J3 (cầu Bình Khánh) vẫn chưa được chấp thuận.

 

Trong ảnh là nút giao Nguyễn Hữu Thọ. Nút giao này được nhà thầu phát quang cây cối để chuẩn bị thi công các hạng mục đường dẫn còn lại.

 

Cầu Bình Khánh và Phước Khánh là hai cây cầu có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam.

 

Công nhân thi công đổ bê tông lan can đường dẫn lên cầu.