Bất động sản hàng hiệu: thế chân kiềng – bài học từ Dubai
9 Tháng Mười Hai, 2023 | Hương
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kích hoạt sự tăng tốc chưa từng có trong việc số hóa và cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của các trung tâm dữ liệu trước sự gián đoạn toàn cầu cũng như chiến lược triển khai kinh tế số của các quốc gia. Thành phố đông dân và giàu có nhất tại Trung Đông, nơi nổi tiếng về các thú chơi xa xỉ của giới siêu giàu đã trở thành nơi có nhiều dự án bất động sản hàng hiệu nhiều thứ 2 trên thế giới với 29 dự án, chỉ sau thành phố Miami, bang Florida tại Mỹ.
Ở nhà hiệu – lối sống xa xỉ của nhà giàu Dubai
Ở khu vực Trung Đông, có hơn 100 dự án căn hộ có thương hiệu được khánh thành trong năm 2020 bất chấp kinh tế thế giới đang đi xuống do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Và hầu hết các dự án mới đều tập trung tại Dubai, theo một báo cáo của Savills.
Các nhà phát triển bất động sản đang dành sự ưu tiên cho nhà hiệu tại thị trường này, khi số lượng dự án nhà hiệu đang tăng nhanh hơn số lượng khách sạn mới. Mặc dù trong năm 2020, số tỉ phú và triệu phú tại Trung Đông và Dubai nói riêng có giảm, theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2021 vừa được Công ty Tư vấn Knight Frank công bố, số người giàu và siêu giàu tại Trung Đông được dự báo sẽ tăng lần lượt 29% và 25% trong vòng 5 năm tới. Số hộ gia đình có thu nhập trên 100.000 USD cũng được dự báo sẽ tăng 40% trong giai đoạn này.
Đến năm 2025, số người siêu giàu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) dự kiến sẽ tăng 22%. Năm 2020, UAE có 1.305 người có tài sản trên 30 triệu USD và 155.929 người có tài sản trên 1 triệu USD. Báo cáo cũng cho biết, gần 1/3 người siêu giàu ở Trung Đông đang có kế hoạch mua nhà trong năm nay. Đây sẽ là động lực khiến cho giá nhà hiệu tại thị trường này tăng mạnh. Ngoài Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, UAE cũng đang là địa điểm lý tưởng cho giới siêu giàu Dubai sắm nhà hiệu.
Kiềng 3 chân
Vì sao bất động sản hàng hiệu trở nên hấp dẫn với giới siêu giàu Dubai? Các dự án nhà hiệu thường mang lại giá trị cao hơn nhiều so với nhà không có thương hiệu, tỉ suất lợi nhuận cao, nhưng chi phí cho công tác vận hành, quản lý thấp. Ngoài ra, vì số lượng hạn chế, nên loại hình nhà hiệu có tính thanh khoản cao.
Những yếu tố trên không chỉ có lợi cho nhà phát triển bất động sản và thương hiệu khách sạn khi xây dựng và giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Khách mua nhà cũng xem đây là những yếu tố tiên quyết khiến họ chi một số tiền lớn để mua một căn nhà có thương hiệu. Không phải khách sạn hay căn hộ cao cấp, nhà hiệu đã từ lâu trở thành lĩnh vực đầu tư tối ưu cho người dân UAE. Nhiều công dân toàn cầu muốn có thêm ngôi nhà siêu sang để bổ sung vào khối tài sản của mình cũng đã tìm đến Dubai.
Đối với nhà phát triển và thương hiệu khách sạn quản lý dự án, khi một dự án bất động sản hàng hiệu được giới thiệu ra thị trường thành công, danh tiếng và uy tín của họ sẽ được củng cố thêm. Họ thường thuê lại căn hộ khi đã bán cho khách hàng trong một thời gian nhất định. Mô hình này mang lại cho nhà đầu tư một nguồn thu hấp dẫn bên cạnh quyền sở hữu căn hộ mà không cần tốn công sức quản lý tài sản của mình.
Vì vậy, ở Dubai “nhà hiệu” luôn có mức giá cao hơn 31% so với bất động sản cao cấp mà không có thương hiệu, theo nghiên cứu của Savills. Tỉ suất lợi nhuận cao khiến cho nhu cầu nhà hiệu tăng mạnh, tạo động lực cho các nhà phát triển bất động sản ưu tiên tập trung vào phân khúc này.
Nhà hiệu luôn được đánh giá cao hơn so với nhà không có thương hiệu khiến cho bất động sản thuộc phân khúc này hấp dẫn. Bất động sản hàng hiệu là 1 trong 3 lĩnh vực đầu tư yêu thích của giới siêu giàu Dubai. Giá nhà hiệu tại khu vực này tăng mạnh trong năm 2020 khi thị trường bất động sản hàng hiệu tại đây đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Giá căn hộ và biệt thự hàng hiệu tại đảo nhân tạo Palm Jumeirah tăng 5,1% và 9,4% chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, trang Arabian Business dẫn lời ông Taimur Khan, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Knight Frank Trung Đông.
Còn Property Finder, trang tin về bất động sản lớn nhất tại UAE, cho biết sự thay đổi trong nhu cầu nhà ở của người dân Dubai đang kích thích sự tăng trưởng cho loại hình nhà hiệu khi ngày càng nhiều gia đình tại thành phố này muốn sống trong căn hộ rộng rãi hơn và được phục vụ chu đáo như ở trong khách sạn. Ngành du lịch Dubai tăng tốc cũng là một trong những động lực khiến thị trường bất động sản hàng hiệu tại đây phát triển mạnh. Một yếu tố khác khiến căn hộ hàng hiệu hấp dẫn nhà đầu tư là việc dễ cho thuê ngắn hạn nhằm phục vụ du khách và doanh nhân đến Dubai công tác, thay vì cho thuê theo hợp đồng một năm như các căn hộ không có thương hiệu.
Căn hộ khi được cho thuê cũng được quản lý và chăm sóc kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn của khách sạn hạng sang. Ngoài chi phí vận hành thấp do tỉ lệ nhân viên thấp tại các dự án bất động sản có thương hiệu, yếu tố sang trọng của những khu nhà này tạo thêm lợi thế về thương hiệu cá nhân và sự tự tin cho gia chủ.
Bài học từ Dubai đến Việt Nam
Với 29 dự án, Dubai đang dẫn đầu các thành phố lớn nhất thế giới về thị trường bất động sản hàng hiệu. Ở châu Á, nơi kinh tế đang phát triển mạnh, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Việc áp dụng cơ chế hợp tác 3 bên tại Việt Nam đang được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng cho phân khúc nhà siêu sang này.
Áp dụng cơ chế hợp tác 3 bên, thị trường bất động sản hàng hiệu ở Dubai đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Con số 31% vẫn còn thấp hơn nhiều so với các thị trường ở châu Á. Ở các thành phố lớn tại châu lục đang lên này, bất động sản hàng hiệu có thể có giá hơn bất động sản không có thương hiệu ở mức 132%, theo Knight Frank.
Dòng bất động sản này thường có giá cao hơn khá đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường do nhiều yếu tố “cộng hưởng” như vị trí, uy tín của chủ đầu tư cũng như sự xuất sắc của đơn vị vận hành, ông David Jackson, Tổng Giám đốc của Colliers Việt Nam, nhận định. Số liệu mới nhất của Savills đã phần nào minh chứng cho sự thành công của cơ chế hợp tác này. Cả thế giới có khoảng 500 dự án với 76.000 căn hộ hàng hiệu. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, số lượng dự án thuộc phân khúc này tăng 170%. Chỉ trong năm 2020, cả thế giới có thêm 100 dự án.
TP.HCM, thành phố phát triển bậc nhất tại Việt Nam, sẽ có những dự án căn hộ mang thương hiệu của Marriott International với cơ chế hợp tác 3 bên như Dubai. Đây sẽ là phân khúc nhà ở được giới siêu giàu Việt mong chờ và đầu tư.
Dù đã xuất hiện tại Mỹ cả thế kỷ hay đang rất sôi động tại UAE và vùng Trung Đông nhưng mô hình này vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam. “Do đó, cơ hội đầu tư vẫn còn nhiều”, ông David Jackson nhận định. Dù khách mua dòng sản phẩm này để ở hoặc đầu tư thì họ cũng được “thừa hưởng” thương hiệu đã được bảo chứng từ lâu. Nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm phong cách sống đẳng cấp, xứng đáng với số tiền bỏ ra cũng như yên tâm về việc bảo dưỡng, duy trì chất lượng của bất động sản mà mình đã mua, vị chuyên gia của Colliers Việt Nam cho biết thêm.
Bất động sản hàng hiệu và cơ chế hợp tác như vậy đã xuất hiện dưới dạng bất động sản nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch của Việt Nam. Nhưng bất động sản hàng hiệu trong đô thị sẽ là phân khúc rất thú vị và tiềm năng, làm phong phú thêm thị trường địa ốc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của nhà giàu Việt và những người hướng đến việc trở thành công dân toàn cầu.
Theo nhipcaudautu