Đại dịch ảnh hưởng đến giá BĐS

9 Tháng Mười Hai, 2023 | Hương

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch nhưng thị trường bất động sản vẫn có những cơ hội để phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Thông tin cầu Thủ Thiêm 2 sẽ khánh thành và tuyến metro số 1 sớm được đưa vào vận hành năm nay là những tín hiệu tích cực cho ngành BĐS TP.HCM. Dự kiến TP.HCM sẽ có thêm 26.000 căn hộ, chủ yếu tập trung ở thành phố Thủ Đức và phía nam.

Nguồn cung giảm, lãi suất hấp dẫn

Nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến giá BĐS tăng. Trong năm 2020, thị trường Hà Nội có thêm 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% so với năm 2019. Đây là mức mở bán thấp nhất theo năm tính từ 2015 – thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ, theo báo cáo của CBRE Việt Nam.

Cũng theo báo cáo này, tại TP.HCM, lượng căn hộ mở bán mới chỉ tăng trong quý IV/2020 sau 9 tháng trầm lắng với 7.200 căn, tương đương mức mở bán theo quý trước Covid-19. Hầu hết căn hộ mới được tung ra thị trường đều ở khu phía đông, chiếm 44% lượng mở bán mới trong năm 2020.

Đại diện CBRE dự báo, với sự xuất hiện thêm của các dự án cao cấp tại vị trí trung tâm TP.HCM, Hà Nội, giá bán căn hộ năm nay sẽ tăng khoảng 4-6%. Nguồn cung chào bán mới và doanh số bán cũng dự kiến sẽ cải thiện, dao động khoảng 24.000-26.000 căn.

Ngoài tình trạng thiếu hụt nguồn cung, thị trường bất động sản có thêm động lực để phát triển khi lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng có xu hướng giảm sâu, giá vàng và chỉ số VN-Index tăng giảm thất thường.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào BĐS khi nhiều ngành nghề khác chịu thiệt hại do dịch bệnh. Đặc biệt tại Việt Nam, thị trường BĐS chỉ chững lại trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng phục hồi nhanh chóng sau khi kiểm soát được dịch. Kỳ vọng về tiềm năng BĐS còn đến từ dự đoán ngân hàng sẽ tung ra các chính sách lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn và nới lỏng quy định cho vay trong năm nay.

BĐS hạng sang được giới nhà giàu Việt ưa chuộng

Bất động sản đã từ lâu trở thành xu hướng đầu tư yêu thích của giới nhà giàu thế giới và Việt Nam. Họ coi bất động sản là kênh trú ẩn an toàn trước các biến cố.

Báo cáo Thịnh vượng năm 2021 của Nhà tư vấn bất động sản Knight Frank nhận định, dù số người có tài sản ròng trên 30 triệu USD và người có tài sản trên 1 triệu USD ở Việt Nam giảm nhẹ trong năm 2020, nhưng số thành viên của “câu lạc bộ” siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh bậc nhất thế giới trong 5 năm tới.

Mức tăng trưởng này có thể đạt 31%. Tổ chức này dự đoán đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản ròng trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến bất động sản tiếp tục tăng giá.

Đại dịch khiến cho số người siêu giàu trong năm 2020 ở Việt Nam giảm còn 390 người, ít hơn 15 người so với năm 2019. Số người giàu (người hữu tài sản ròng trên 1 triệu USD) cũng giảm 1.154 người, xuống còn 20.645 người trong năm 2020.

Theo giới phân tích, BĐS luôn được giới nhà giàu Việt ưu ái bởi họ tin rằng dù ở hoàn cảnh kinh tế nào BĐS cũng sẽ tăng giá. Điều này xuất phát từ thực tế dân số ngày càng tăng mà đất đai không thể mở rộng.

theo baoxaydung