Triển vọng căn hộ hạng sang năm 2021

9 Tháng Mười Hai, 2023 | Hương

Với việc triển khai tiêm phòng Covid-19 trong năm 2021, đây là một năm đáng mong đợi với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tại TP HCM, toàn ngành còn đón nhận những thông tin tích cực về hạ tầng và quy hoạch ngay từ đầu năm, tạo tiền đề phát triển bất động sản nhiều phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ hạng sang vốn trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư lẫn người mua để ở thời gian qua.

Nguồn cung giảm khiến giá căn hộ tăng

Trong năm 2020, dù toàn ngành chịu tác động của Covid-19 dẫn đến giao dịch sụt giảm, tuy nhiên mặt bằng giá bất động sản vẫn nhích lên so với năm 2019 bởi nguồn cung hạn chế. Đại dịch ảnh hưởng đến tốc độ ra thị trường của các dự án, đồng thời vướng mắc pháp lý kéo dài khiến tình trạng cầu nhiều hơn cung vẫn duy trì trong năm qua.

Số liệu của CBRE Việt Nam cho thấy, thị trường Hà Nội có thêm 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% so với năm 2019. Đây là mức mở bán thấp nhất theo năm tính từ năm 2015 – thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ “đóng băng”. Tại TP HCM, lượng căn hộ mở bán mới chỉ bật tăng trong quý IV/2020 sau 9 tháng trầm lắng với 7.200 căn, tương đương với mức mở bán theo quý IV/2019. Hầu hết căn hộ mới được tung ra thị trường đều ở khu Đông, chiếm 44% lượng mở bán mới trong năm 2020.

Trong năm 2021, giá bán căn hộ dự kiến tăng khoảng 4-6% do có thêm dự án thuộc phân khúc cao cấp tại các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Trong năm nay, nguồn cung chào bán mới và doanh số bán dự kiến cải thiện, dao động trong khoảng từ 24.000-26.000 căn. Riêng TP HCM dự báo có thêm 26.000 căn hộ, chủ yếu tập trung ở Thành phố Thủ Đức và khu Nam Sài Gòn. Xu hướng tăng giá được dự báo tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới nhờ niềm tin vào bất động sản của nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi hầu hết các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn và tiềm ẩn biến động.

Động lực thúc đẩy nhu cầu bất động sản

Khi lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng có xu hướng giảm sâu, giá vàng và chỉ số VN-Index tăng giảm thất thường, nhiều nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào bất động sản. Trong khi đó, năm 2020, bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không có khách quốc tế và khách trong nước hủy hàng loạt kế hoạch đi nghỉ dưỡng. Chỉ còn bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp là điểm sáng “giữ lửa” cho thị trường trong năm qua và dự kiến tiếp tục giàu triểm vọng trong năm nay.

Giới đầu tư tin rằng, bất động sản sẽ là một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi khi đại dịch được khống chế hoàn toàn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng tạo nền tảng tốt cho ngành bất động sản tiếp tục thu hút đầu tư. Dù đại dịch ảnh hưởng tiến độ triển khai tại nhiều dự án, nhưng với tình hình chống dịch hiệu quả và niềm tin vào đà hồi phục kinh tế trong năm nay, những dự án chất lượng được dự báo sẽ nhanh chóng trở lại “đường đua”.

Ngoài tình trạng thiếu hụt nguồn cung, thị trường bất động sản có thêm động lực để phát triển từ quy hoạch và hạ tầng. Khu Đông trong năm nay liên tiếp đón nhận tin vui về quy hoạch thành phố Thủ Đức, khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 trong tháng 9 và triển khai công tác đầu tư loạt công trình hạ tầng trọng điểm khác.

Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục được tiếp sức từ chính sách bán hàng của các chủ đầu tư lẫn chính sách cho vay mùa nhà của các ngân hàng thương mại. Trong khi nhiều lĩnh vực ảnh hưởng bởi Covid-19, bất động sản vẫn là kênh tín dụng hiệu quả với các ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản dồi dào.

Tiềm năng từ đà tăng thu nhập

Mặt khác, từ góc độ nhu cầu sở hữu bất động sản hạng sang, phân khúc này từ lâu đã là sản phẩm đầu tư yêu thích của giới nhà giàu thế giới và Việt Nam. Nhóm khách hàng này coi bất động sản là kênh trú ẩn an toàn, có giá trị tích lũy lâu dài trong mọi biến cố.

Báo cáo Thịnh vượng năm 2021 của nhà tư vấn bất động sản Knight Frank nhận định, dù số người có tài sản ròng trên 30 triệu USD và người có tài sản trên một triệu USD ở Việt Nam có giảm nhẹ trong năm 2020, nhưng số thành viên của “câu lạc bộ” siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hàng đầu thế giới trong vòng 5 năm tới.

Cụ thể đại dịch khiến cho số người siêu giàu trong năm 2020 ở Việt Nam giảm còn 390 người, ít hơn 15 người so với năm 2019. Và số người giàu (người hữu tài sản ròng trên một triệu USD) cũng giảm 1.154 người, xuống còn 20.645 người trong năm 2020. Tuy nhiên trong 5 năm tới, mức tăng trưởng tầng lớp nhà giàu tại Việt Nam vẫn có thể đạt 31%. Knight Frank dự đoán đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản ròng trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn một triệu USD. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến bất động sản tiếp tục tăng giá.

Với giới nhà giàu Việt, bất động sản luôn luôn được ưu ái nhất. Họ luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, dù ở hoàn cảnh kinh tế nào, bất động sản vẫn tăng giá, vì dân số ngày càng tăng mà đất đai không thể mở rộng. Đây cũng là động lực tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc bất động sản hạng sang, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang là “điểm sáng” trong khu vực với nhiều tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn.

theo diaocthoibao